20 NĂM THÀNH LẬP TRUNG TÂM KỸ THUẬT TÀI NGUYÊN – MÔI TRƯỜNG: Khẳng định vai trò, năng lực hoạt động

14-05-2015 Chưa có bình luận »

     Thời gian 20 năm chưa phải là dài, nhưng với khoảng thời gian đó, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định rõ vai trò, vị trí và thương hiệu của mình trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ – hồ sơ địa chính, quy hoạch sử dụng đất đai, địa giới hành chính…, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.

Từ Đoàn Đo đạc – Quy hoạch đất đai

Được thành lập theo Quyết định số 996/QĐ-UB, ngày 12/5/1995 của UBND tỉnh, Đoàn Đo đạc – Quy hoạch đất đai là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường). Những ngày đầu mới thành lập, có thể nói khó khăn đủ bề. Trụ sở làm việc chỉ là 2 dãy nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 1980, của Ban Quản lý Ruộng đất tỉnh Nghệ An, mưa xuống là bị dột, ẩm ảnh hưởng đến công tác lưu giữ bản đồ, sổ sách. Thiết bị máy móc vừa thiếu, vừa lạc hậu, chỉ có máy kinh vĩ quang cơ: 2T2, Theo 020, 1 Theo 080A, Dalta mỗi loại một cái và 2 máy thủy chuẩn H3T được sản xuất từ thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước. Thêm vào đó, các thiết bị đo chiều dài cũng rất thô sơ, chỉ có Mia gỗ; hoăc thước dây, thước. Công cụ tính toán chủ yếu bằng máy tính cầm tay Casio. Về đội ngũ, toàn Đoàn có tổng 16 người, trong đó chỉ có 5 kỹ sư còn lại là cán bộ ngày xưa làm việc theo kinh nghiệm qua các phong trào như Đội cờ hồng, Đoàn 169, Ban chỉ đạo 299.

Nhớ lại những năm đầu, trong ký ức cán bộ, kỹ sư, công nhân viên vẫn im đậm về một thời kỳ gian khó. Quá trình thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính lúc đó chưa có chuẩn quy trình, quy phạm, kỹ thuật bán thủ công, phương pháp vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Việc đo đạc được đo ngắm trực tiếp trên Mia gỗ bằng máy quang cơ, hoặc kéo thước thép thước dây vải. Việc vẽ bản đồ dụng cụ khi đó cũng rất thô sơ, chỉ bằng bút sắt, bút chân cong, xoay đơn, thước đo độ, eke, thước thu phóng tỷ lệ …

Vượt lên khó khăn, trong 3 năm đầu, Đoàn đã đo đạc và lập bản đồ địa chính tại 9 xã  của 2 huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu; đất nông nghiệp của 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong; cắm mốc phục vụ giao đất cho hơn 20 khu với trên 250 lô đất tại thành phố Vinh và thị trấn các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyện, Cầu Giát. Đoàn cũng đã tham gia lập điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất (KHSD đất) của tỉnh, giai đoạn 1995 – 2000; và 19 xã thuộc các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp… Mặc dù điều kiện thô sơ nhưng các sản phẩm đo đạc bản đồ địa chính, quy hoạch sử dụng đất (QHSD đất) đều chất lượng đảm bảo.

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật công nghệ và yêu cầu nhiệm vụ, trong những năm 1998 – 2002, Đoàn được bổ sung về người, củng cố về tổ chức bộ máy; trang bị thêm máy móc, thiết bị kỹ thuật cao; ứng dụng các công nghệ GPS, công nghệ kỹ thuật số. Theo đó, kỹ thuật chuyên môn ở Đoàn đã có bước tiến mới, đặc biệt năm 2001, đánh dấu bước ngoặt về công nghệ kỹ thuật khi Đoàn đã nghiên cứu, thử nghiệm và thực hiện thành công bản đồ địa chính dạng số tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh; tiếp đó là xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), thị trấn Kim Sơn (Quế Phong); thị trấn Quỳ Châu…. Giai đoạn này, Đoàn được giao thêm nhiệm vụ mới, đó là thực hiện công tác kiểm kê đất các tổ chức theo Chỉ thị 245/TTg, ngày 22/4/1996 của Thủ tướng Chính phủ; lập hồ sơ cấp GCNQSD đất đô thị theo Nghị định 60/CP của Chính phủ. Nhiều địa danh xã, phường, tên huyện in dấu vào ký ức những cán bộ, kỹ sư gắn bó, lăn lộn. Kết quả thực hiện một khối lượng công việc khá lớn. Cụ thể, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ đô thị tại 8 phường của thành phố Vinh; 2.080 GCN cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở, đất NN tại 2 xã Hưng Thịnh, Hưng Tiến (Hưng Nguyên); lập QHSD đất đến năm 2010 cho 11 huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, và Kỳ Sơn; lập QHSD đất cho 135 xã thuộc các huyên Hưng Nguyên, Nam Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Ngh Lộc, Quỳnh Lưu. Đoàn cũng đã tiến hành lập QHSD đất tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2001 – 2010 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên – Môi trường

Năm 2003, Sở Địa chính phát triển thành Sở Tài nguyên và Môi trường, theo đó Đoàn Đo đạc – Quy hoạch đất đai cũng được đổi tên là Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên – Môi trường và được bổ sung chức năng nhiệm vụ theo Quyết đinh số 4816/QĐ.UB-TC, ngày 10/12/2003 của UBND tỉnh. Đây là thời gian đánh dấu bước chuyển mình khi trung tâm trở thành đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ về tài chính đã thực sự “cởi trói” và thay đổi mọi hoạt động của trung tâm. Bắt đầu từ đây, thay vì làm việc theo chủ trương, giao và nhận việc đó từ cấp trên, đơn vị đã chủ động và tự chủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Hàng loạt quy chế nội bộ được xây dựng và đưa vào áp dụng trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tổ chức bộ máy cũng được sắp xếp lại, trong đó ưu tiên sản xuất, giảm hành chính; đồng thời tuyển dụng bổ sung đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn; mua sắm thêm nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện tại trung tâm đang sở hữu một trụ sở khá khang trang với 32 biên chế, trong đó có nhiều cán bộ được đào tạo chính quy, đúng chuyên ngành, có kinh nghiệm trong công tác. Về máy móc, trang thiết bị, gồm máy in laser A0 HP designeiet 5500; 5 máy toàn đạc điện tử TC 450; 5 máy đo lưới tọa độ bằng công nghệ GPS một tần loại Hurace X20; sử dụng phần mềm Villis, TMV vào việc lập hồ sơ địa chính cấp GCNQSDĐ.

DSC_1732

 Công tác kiểm tra máy toàn đạc điện tử

     Hoạt động của trung tâm hiện nay được tập trung vào các lĩnh vực đo đạc lập BĐ, HSĐC và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, cấp GCNQSDĐ, QHSD đất; thống kê đất đai, lập bản đồ HTSD đất trên địa bàn tỉnh; giải quyết tranh chấp đất đai, lập hồ sơ ĐGHC. Với các chức năng, nhiệm vụ nêu trên, chỉ tính trong vòng 5 năm trở lại đây, trung tâm đã thực hiện và hoàn thành được một khối lượng công việc khá lớn. Trong công tác đo đạc bản đồ, trung tâm đã hoàn thành ĐĐ lập BĐĐC 14 xã trong tỉnh; thực hiện trích đo phục vụ GPMB một số công trình trọng điểm của tỉnh như công trình thủy điện Hủa Na, hồ chứa nước Bản Mồng, và nhiều công tình, dự án khác…. Đặc biệt, công tác ĐKTK lập HSĐC, cấp GCNQSDĐ đất ở, đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp được thực hiện với số lượng lớn với tổng số gần 30.000 GCNQSDĐ cho các tổ chức, cá nhân các địa phương trong tỉnh. Sản phẩm lập HSĐC, cấp GCNQSDĐ tại các địa bàn do trung tâm thực hiện đều được Sở TNMT đánh giá tốt nhất trong các đơn vị thi công trên địa bàn tỉnh. Lập QHSD đất đến năm 2020 và KHSD đất 5 năm thời kỳ đầu 2011 – 2015 của huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai; quy hoạch NTM cho 20 xã thuộc 4 huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn và Kỳ Sơn. Công tác phân định, cắm mốc, lập hồ sơ ĐGHC theo các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ cũng như giải quyết tranh chấp ĐGHC được tiến hành có chất lượng, được Bộ Nội vụ – cơ quan Thường trực của CP về công tác ĐGHC đánh giá cao, sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp quốc gia.

DSC_1713

Công tác kiểm tra in ấn bản đồ

     Sau 20 năm, Trung tâm đã có sự phát triển khá toàn diện về cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, tổ chức bộ máy, trình độ kỹ thuật chuyên môn, nâng cao năng lực cạnh tranh về công tác đo đạc, lập hồ sơ, BĐĐC, cấp GCNQSDĐ và QH đất đai. Đời sống của cán bộ, công nhân viên chức, lao động không ngừng được cải thiện. Chi bộ liên tục đạt Trong sạch, Vững mạnh và năm 2014 được công nhận Trong sạch,Vững mạnh tiêu biểu. Hàng năm, trung tâm đều được Sở Tài nguyên và Môi trường xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều năm được nhận Bằng khen của UBND tỉnh. Công đoàn và Đoàn Thanh niên trung tâm được xếp loại xuất sắc hàng năm, được nhận nhiều bằng khen của các cấp trao tặng. Kết quả đó tạo động lực tinh thần to lớn, cỗ vũ đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tiếp tục nỗ lực, phấn đấu cao hơn, đáp ứng yêu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, góp phần vào công tác QLNN về lĩnh vực đất đai, phục vụ sự phát triển chung của tỉnh.

DSC_1728

Công tác kiểm tra bản đồ

     Theo ông Hồ Công Dần – Giám đốc Trung tâm, hai mươi năm của Trung tâm cũng là thời gian thực nghiệm các chủ trương của Nhà nước về phát triển ĐVSN, những năm 2009-2011 là những năm chủ trương của Nhà nước về ĐVSN, cụ thể là Nghị định 43/2006/NĐ-CP, được triển khai đầy đủ nhất tại Nghệ An, giai đoạn này Trung tâm cũng phát triển tốt nhất, thực hiện hiệu quả nhất. Từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 57/2012/QĐ-UBND thay Quyết định 63/2008/QĐ-UBND, việc phát triển khó khăn hơn. Để phát triển và quản lý các ĐVSN của tỉnh, tới đây cần triển khai tốt các quy định của Nghị định 16/2015/NĐ-CP.

 

Comments are closed.